Đối với nhiều bạn đi Aupair, có rất nhiều thứ là trải nghiệm lần đầu tiên: lần đầu tiên đi nước ngoài, lần đầu tiên xa nhà trong khoảng thời gian lâu như vậy hay lần đầu tiên đi máy bay. Bài viết này sẽ giúp các bạn lần đầu tiên đi máy bay đỡ bỡ ngỡ trước những thủ tục sân bay, cũng như tránh những rủi ro như lỡ chuyến bay hay quên giấy tờ cần thiết.

Huong dan thu tuc đi may bay voi nhung ban đi lan đau
Hướng dẫn thủ tục đi máy bay với những bạn đi lần đầu

Không phải mọi thông tin trong này đều đúng với mọi trường hợp, vì vậy bạn nên kiểm tra lại với trường hợp của bạn nếu thấy có điều chưa rõ ràng.

1. Chuẩn bị:

Trước khi đi máy bay bạn phải có trong tay:

  • Vé máy bay
  • Hộ chiếu có in sẵn visa
  • Visa Transit (visa quá cảnh) nếu  tuyến bay của bạn transit qua sân bay tại nước đó, ví dụ bạn bay từ Hà Nội đến Frankfurt (Đức) transit tại sân bay Heathrow ở London (Anh): HAN – LHR – AMS, bạn phải có thêm visa transit tại Anh bên cạnh visa vào Đức, Global Vietnam Aupair có hỗ trợ bạn đặt vé máy bay với mức chi phí vừa phải và tránh cho bạn phải quá cảnh ở những nước yêu cầu xin visa transit.
  • Bạn nên có trước một ít tiền của nước transit để có thể tiêu mà không cần phải đổi ở sân bay trong thời gian chờ transit. Bê cạnh đó là các đồ dùng mà bạn muốn mang theo, chia làm hai loại:

–  Đồ xách tay (hand/cabin luggage) là đồ mà bạn mang theo bên mình khi lên máy bay, bạn sẽ phải để đồ này lên giá phía trên ghế ngồi hoặc dưới gầm ghế hoặc giữ bên mình. Hành lý dạng này thường có giới hạn về kích thước, cân nặng, số lượng túi được mang theo….. Tùy theo quy định cả từng hãng hàng không. Do vấn đề về an ninh, bạn không được phép mang theo các vật dụng có ý sát thương như dao, kéo,…

Lưu ý: Không mangg theo chất lỏng quá 200ml, nghĩa là bạn không nên mang theo nước uống (trên máy bay có nước) hoặc các lọ mỹ phẩm dạng lỏng quá 200ml, nếu bạn mang theo những đồ này sẽ bị tịch thu ở hải quan.

–  Đồ gửi (checked luggage) thường là đồ nặng, cồng kềnh mà bạn gửi khi làm thủ tục check – in, đồ này vẫn đi cùng chuyến bay với bạn nhưng được để ở khoang hành lý riêng, bạn chỉ có thể lấy đồ khi đến nơi. Tùy theo loại vé máy bay, hãng hàng  không mà số lượng đồ gửi (tính theo kiện/bao/gói) hay cân nặng được quy định khác nhau, nếu bạn gửi quá mức quy định thì phải đóng thêm tiền. Các hãng đều quy định danh mục các mặt hàng không được phép mang theo, bạn phải tuân thủ quy định này.

2. Vé máy bay:

Bạn có thể mua vé máy bay trực tiếp qua các hãng hàng  không hoặc qua các đại lý, thường mua qua đại lý hay mua trước khi đi một thời gian thì giá sẽ rẻ hơn. Một số hãng hàng không hiện nay bán vé qua internet, do không phải trả thêm tiền thuê nhân viên, địa điểm… nên giá vé cũng ngang với giá của đại lý. Thông thường, bạn nên mua vé trước thời điểm bay khoảng 1-3 tháng và nên tránh đi vào những lúc cao điểm như: giáng sinh, nghỉ hè để tránh giá vé cao.

Đôi khi có những đợt khuyến mại thì giá vé cũng thấp hơn so với bình thường, đổi lại sẽ có một số hạn chế ví dụ số kg đồ gửi thấp, thời gian hợp lệ của vé ngắn, không được trả lại vé một khi đã mua hoặc số tiền trả lại sẽ thấp so với vé không khuyến mại…

Các thông tin liên quan đến vé máy bay:

  • Hạng vé (class): Tùy theo phân loại của từng hãng mà có thể có nhiều hạng khác nhau, phổ biến có Economy, Bussiness và First class, trong đó hạng Economy là rẻ nhất.
  • Tình trạng vé (status)
  •  Ok/Confirmed: Ngày giờ bay chính thức.
  • Wait Listed: Ngày giờ bay mà bạn đã đăng ký chưa được chắc chắn do đã hết chỗ và bạn được cho vào danh sách đợi. nếu có người bỏ chỗ mà bạn đứng đầu danh sách đợi thì bạn sẽ được đi vào chuyến đã đăng ký, khi đó status của bạn chuyển thành OK.
  • Open Dated: bạn chhưa đăng ký ngày, giờ bay. Bạn có thể đăng ký bất cứ lúc nào miễn là trước khi vé hết hạn sử dụng.
  •  Chuyến bay (flighht): Ký hiệu chuyến bay, ví dụ VN188, bạn có thể tìm thông tin về chuyến bay trên các bảng điện tử qua ký hiệu này. Số hiệu chuyến bay này rất quan trọng vì khi bạn muốn tìm cổng vào, quuầy check-in hoặc mọi thông tin thay đổi của chuyến bay, bạn sẽ dể dàng nhìn thấy thông tin được ghi dưới dạng số hiệu chuyến bay để tránh nhầm lẫn với các chuyến bay khác.
  • Ngày giờ bay (date/time): Ngày/giờ máy bay cất cánh ở nơi đi và hạ cánh ở nơi đến, giờ địa phương.
  • Bay thẳng (non-stop) hay quá cảnh (transit): Bay thẳng  là chuyến bay đi thẳng từ điểm bạn cần đi đến nơi bạn cần đến, transit là chuyến bay dừng tại một hoặc vài nơi khác trước khi đến điểm bạn cần đến.

Các điều kiện ràng buộc:

  • Trọng lượng hành lý gửi: Tùy theo loại vé, hãng hàng không mà số kg hành lý có giới hạn khác nhau. Thông thường đi đường dài được gửi 30kg/người, đi nhiều người với nhau có thể gộp lại để chung tải. Nếu gửi quá mức qui định thì phải đóng thêm tiền, lệ phí cao.
  • Thời hạn hợp lệ của vé: Tính từ lúc mua hoặc từ lúc bắt đầu bay, cố loại 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm… tùy theo từng hãng. Thời hạn càng dài thì giá càng cao.
  • Refundable: Vé có thể trả lại hay không khi bạn không thể tiếp tục chuyến bay, tùy theo quy định mà bạn được trả lại một phần tiền hoặc không.

Mua vé:

  • Đặt chỗ: Bạn thông báo cho nơi bán địa điểm đi và đến ngày giờ bay nếu đã xác định, hạng vé, một chiều hay hai chiều. Bên bán vé sẽ cho bạn biết: chuyến bay tương ứng  còn chỗ hay không, nếu hết chỗ của hạng vé đăng ký thì bạn có muốn vào danh sách đợi hay không, giá vé, các điều kiện ràng buộc của vé, thời hạn phải trả tiền lấy vé. Hai bên  sẽ thỏa thuận với nhau. Khi chưa trả tiền, bạn có thể thay đổi lại các thông tin đặt chỗ hoặc hủy bỏ mà không phải trả lệ phí.
  • Trả tiền, lấy vé: Tùy theo loại vé, qui định của từng đại lý, hãng hàng không mà bạn sẽ phải trả thêm tiền nếu muốn thay đổi lại các thông tin đã ghi trên mặt vé một khi đã nhận vé. Đối với loại vé chưa xác định ngày giờ bay (Open Dated) bạn có thể trả tiền lấy vé rồi đặt sau mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, nếu sau đó bạn muốn thay đổi ngày giờ bay thì việc có áp dụng mức phí hay không lại tùy thuộc vào loại vé bạn đã mua, đại lý, hãng hàng không. Các hãng hàng không đều có địa chỉ liên lạc tại thành phố nơi bạn sẽ đi, bạn có thể gọi đến địa chỉ này để liên lạc thay vì phải gọi về nơi đã mua vé.

3. Sân bay

Các sân bay thường nằm cách trung tâm thành phố từ vài km đến vài chục km, các thành phố phát triển thường có các phương tiện giao thông công cộng (bus, metro, tram, train) nối sân bay với trung tâm. Bên cạnh các phương tiện khác đắt tiền hơn taxi, express bus.

Sân bay bao giờ cũng chia làm 2 khu tách biệt:

  • Khu đến (arrival): Nơi mà khách hàng từ nơi khác bay đến sẽ đi ra ở khu vực này.
  • Khu đi (departure): Nơi mà khách hàng làm thủ tục để đi máy bay đến nơi khác.

Trong mỗi khu có thể chia làm hai: nội địa (dành co các chuyến bay nội địa) và quốc tế (dành cho các chuyến bay quốc tế).

Với các sân bay lớn, từng khu nói trên còn chia làm bến (terminal) (ví dụ ở sân bay Bangkok, Singapore). Mỗi terminal có một số hãng hàng không nhất định hoạt động. Bạn đi hãng nào hoặc đón người thân đi hãng nào thì đến terminal tương ứng của khu tương ứng.

Các biển báo ở sân bay đều ghi rất rõ bằng hai thứ tiếng: Tiếng địa phương và tiếng Anh. Sân bay luôn có các trạm thông tin (information point) để giúp đỡ hành khách. Các sân bay lớn thậm chí còn cho in sơ đồ sân bay.

Các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn, toilet đều có ở sân bay. Bạn nên mang đồ ăn từ nhà theo nếu muốn tiết kiệm, thông thường khi đi máy bay, bạn phải đến trước giờ cất cánh 2 – 3 tiếng để làm các thủ tục.

Các bảng điện tử nằm rải rác trong sân bay thông báo các chuyến bay đến và đi. Bạn xem thông tinn ở đây và để ý loa thông báo. Cần chú ý để không nhầm giữa thông tin đi (departure) và đến (arrival), các chuyến bay của terminal nào.

Thông tin về chuyến bay đi gồm có: Tên chuyến bay, điểm đi/đến, ngày giờ đi/đến, tình trạng (chưa có thông tin, bắt đầu check-in, bắt đầu vào phòng đợi, chuẩn bị cất cánh,…)

Thông tin về chuyến bay đến gồm có: Tên chuyến bay, điểm đi/đến, ngày giờ đi/đến, tình trạng (chưa có thông tin, sắp đến, đã đến,…).

4. Check-in

Ở khu departure, bạn tìm đến các quầy của hãng hàng không mà bạn đi. Bạn có thể tìm thấy quầy này nhờ vào số hiệu chuyến bay ghi trên bảng điện tử ở sau lưng quầy hoặc biển báo giấy đặt trước mặt bàn nhân viên check-in, thường có hai hoặc nhiều quầy. Nếu đã đến giờ check-in, các quầy sẽ có nhân viên phục vụ. Nếu vé của bạn chưa ghi chỗ ngồi (seat) mà bạn muốn chọn chỗ thì nên đến sớm để xếp hàng. Tùy theo hạng vé mà bạn xếp hàng vào quầy tương ứng. Hạng Bussiness hay First class có quầy riêng. Hạng Economy có quầy riêng và thường hạng Economy có nhiều quầy hơn và đông người đi hơn các hạng như Bussiness hay First class.

Bạn phải  đưa vé máy bay, chứng minh thư hoặc hộ chiếu/visa cho nhân viên tại quầy kiểm tra. Nếu có đồ gửi bạn đưa lên bàn cân. Nhân viên tại quầy có thể cân luôn hành lý xách tay của bạn có hợp lý không. Bạn có thể được đề nghị ngồi cạnh cửa sổ hay cạnh lối đi. Nếu còn chỗ trong hạng tương ứng nhân viên sẽ xếp cho bạn theo yêu cầu. Ngồi cạnh cửa sổ thích hợp với những chuyến bay ngắn. Bạn không bị quấy rầy bởi người ngồi phía trong khi họ muốn ra ngoài, hoặc bạn có thể ngắm cảnh khi máy bay cất/hạ cánh. Nếu bạn không muốn làm phiền người khác khi hay phải đi toilet thì bạn có thể xin ngồi cạnh lối đi.

Sau khi xong thủ tục, bạn sẽ nhận lại vé máy bay (đã bị xé đi trang tương ứng với chuyến bay đang làm thủ tục), giấy tờ đưa lúc trước, thẻ lên máy bay (Boarding Pass) và cuống vé tương ứng với hành lý ký gửi. Có bao nhiêu kiện hành lý gửi thì có bấy nhiêu cuống vé cho đến khi ra khỏi sân bay.

Từ lúc này đến lúc lên máy bay, bạn sẽ dùng Boarding Pass thay thế cho vé máy bay. Trên thẻ này ghi địa chỉ phòng đợi tức là cổng (gate) mà bạn sẽ phải có mặt trước hi lên máy bay. Thời gian phòng đợi mở cửa, số ghế (seat) trên máy bay của bạn.

Trong trường hợp bạn đi transit, nhân viên có thể sẽ làm luôn Boarding Pass cho chặng tiếp theo của bạn.

Sau khi làm thủ tục check-in xong bạn có thể đi thẳng vào các khu vực bên trong hoặc chưa vào ngay nếu còn nhiều thời gian.

Lưu ý: Sau khi làm xong thủ tục check-in nếu vẫn còn thời gian thì bạn có thể ở bên ngoài chia tay với gia đình và bạn bè. Vì khi bạn làm xong bước tiếp theo – thủ tục xuất cảnh – và bước vào phòng chờ thì sẽ rất khó cho bạn có thể ra ngoài và chào người thân được nữa. Vì phòng chờ là nơi chỉ có những người đang chờ chuyến bay mới được phép vào.

5. Làm thủ tục xuất cảnh

Tùy theo sân bay, bước kiểm tra an ninh có thể diễn ra trước hoặc sau bước làm thủ tục xuất cảnh.
Khi bạn đi ra nước ngoài, bạn sẽ phải làm thủ tục xuất cảnh. Tại đây, bạn đưa ra hộ chiếu/ visa. Nhân viên hải quan  xem xét và có thể đóng dấu vào hộ chiếu của bạn hay gỡ bỏ visa/ giấy tờ liên quan khỏi hộ chiếu của bạn nếu đã hết giá trị.

6. Kiểm tra an ninh

Đồ xách tay của bạn sẽ được đưa qua máy quét, và bạn sẽ đi qua một cổng từ, chìa khóa hay các đồ kim loại như dây thắt lưng, giày có gắn kim loại…. Bạn phải cho ra khay để qua đường máy quét, tránh làm mất thời gian của cả hai bên một cách không cần thiết.

7. Vào phòng đợi

Sau khi xong hai bước trên là bạn đã vào khu vực quốc tế. Tại đây có các quầy hàng lưu niệm, đồ ăn,.. Bạn có thể đi dạo nếu còn thời gian hoặc đến thẳng phòng đợi. Các sân bay lớn thường có các khu giải trí giúp hành khách tiêu thời gian nếu phải chờ đợi lâu (như khi đi transit).

Bạn có thể yêu cầu nhân viên sân bay chở đến phòng đợi nếu bị mệt hoặc do sắp đến giờ bay.
Phòng đợi có thể chưa mở cửa. Bạn có thể ngồi ở  gần đó hoặc đi dạo xung quanh.

Chú ý: Vặn đồng hồ theo giờ địa phương để tránh bị động, mặc dù bạn sẽ không bị bỏ rơi một khi đã vào đến đây.

8. Lên máy bay

Khi đến giờ lên máy bay, nhân viên của hãng hàng không sẽ xuất hiện ở phòng đợi. hàng khách có vé hạng cao vào trước. Tiếp đó là những người tàn tật, những người có trẻ em đi cùng. Những người cồn lại xếp hàng lần lượt vào hoặc nhân viên sẽ gọi theo số ghế. Bạn đưa ra Boarding Pass, nhân viên xé một phần và đưa lại cho bạn mảnh nhỏ hơn trên đó có ghi số ghế của bạn. Bạn đi theo hành lang nhỏ để lên máy bay hoặc ra xe bus để đến chân máy bay.

Khi lên máy bay, tiếp viên sẽ chỉ cho bạn lối đi đến chỗ ngồi của bạn. Ví dụ: chỗ ngồi của bạn ghi 44A, nghĩa là hàng ghế của bạn số 44, và A là vị trí bạn sẽ ngồi (có hướng dẫn ở mỗi hàng ghế).

Trong khi máy bay cất cánh, tiếp viên sẽ hướng dẫn các bước phải làm khi có sự cố.

Đồ ăn trên máy bay thường có hai lựa chọn cho món chính. Ví dụ: gà nấu mì và thịt lợn với khoai tây, nếu đến lượt bạn mà vẫn còn đủ hai lựa chọn thì bạn có thể lựa món. Sau khi ăn xong tiếp viên sẽ phục vụ cà phê hoặc chè. Đi đường dài, chuyến bay sẽ có hai bữa ăn chính và một bữa ăn phụ. Chuyến đi ngắn thường chỉ có một bữa ăn. ngoài các bữa ăn bạn có thể xin nước uống bất  cứ lúc nào. Khi ăn bạn phải dựng ghế cho thẳng.

Nếu lạnh bạn có thể nói tiếp viên cho mượn chăn để đắp (bạn không được phép mang chăn này ra khỏi máy bay sau khi xuống sân bay).

Khi đi đường dài, thỉnh thoảng bạn nên ra khỏi chỗ đi lại cho đỡ mỏi và tập các động tác để thư giãn cơ thể.

9. Xuống máy bay

Trừ trường hợp phải xuống gấp để đi chuyển tiếp theo cho kịp thời gian. Hành khách ra khỏi máy bay đầu tiên là những người có vé hạng cao. Những người còn lại xếp hàng lần lươt ra. Nếu đông hành khách hoặc máy bay lớn, có thể có thêm đường ra ở phía đuôi máy bay. Các sân bay hiện đại có hành lang dẫn thẳng từ máy bay vào trong. Các sân bay khác có thể dùng xe bus đưa khách từ máy bay vào.

Tùy theo chuyến bay của bạn, sân bay đã định sẵn cổng với các hướng dẫn tương ứng. Có các trường hợp sau:

  • Bạn đi transit, điểm dừng này hoàn toàn độc lập với điểm đến tiếp theo (không chung visa nhập cảnh), ví dụ đi từ Hà Nội đến Amsterdam transit tại Singapore: HAN – SIN – AMS, khi đó nếu bạn đã có Boarding Pass của chặng tiếp theo (Sing – Ams) bạn có thể đến thẳng phòng đợi hoặc xem trên bảng điện tử, nếu chưa có Boarding Pass bạn có thể tìm đến Transfer desk để hỏi và làm thủ tục check-in cho chặng tiếp theo.
  • Bạn đi transit, điểm dừng này và điểm đến tiếp theo có chung visa nhập cảnh. Ví dụ đi từ Hà Nội đến New York (Mỹ) transit tại Los Angeles (Mỹ): HN – LA – NY, bạn sẽ phải làm thủ tục nhập cảnh ở LA trước khi đi chặng tiếp theo vì chặng tiếp theo LA – NY là tuyến nội địa.
  • Nếu đây là điểm cuối của hành  trình, bạn để ý các biển báo chỉ hướng Arrival/ Exit:

Vì tuyến bạn đi là tuyến quốc tế, bạn sẽ đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh.

10. Làm thủ tục nhập cảnh

Có thể có nhiều quầy làm thủ tục nhập cảnh. Bạn để ý biển báo. Một số quầy dành cho nhân viên ngoại giao/công vụ. Một số dành cho người bản địa. Số khác dành cho người nước ngoài…

Tại đây bạn trình hộ chiếu/visa, nhân viên hải quan có thể sẽ đóng dấu hoặc dán thêm một số giấy tờ liên quan. Tùy theo từng nước bạn có thể phải điền vào một vài mẫu đơn quy định trước (Việt Nam) hoặc phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc nhập cảnh. Mặc dù giấy tờ của bạn hợp lệ (ví dụ ở các nước phát triển, họ sợ người từ các nước nghèo sang rồi ở lại một cách bất hợp pháp).

11. Lấy đồ

Hành lý bạn gửi lúc check-in được đưa ra trên các dây chuyền. Có thể có nhiều dây chuyền được đánh số hoặc ghi chỉ dẫn. Bạn xem bảng điện tử/bảng thông tin để biết dây chuyền nào tương ứng với chuyến bay của bạn mà lấy đồ.

Xung quanh khu vực này có các xe đẩy (trolley) để giúp bạn chở đồ.

Nếu không tìm thấy đồ của mình. Bạn phải thông báo ngay đến phòng khai báo mất đồ/thất lạc ( Lost and Found) hoặc liên hệ với hãng hàng không của chuyến bay mà bạn vừa đi, nằm xung quanh đó, và đưa ra cuống vé tương ứng với hành lý bị thất lạc. Nếu bạn đi ra khỏi khu vực này mà chưa khai báo mất/thất lạc đồ thì bạn không thể vào lại mà khiếu nại được nữa.

Nếu không có hành lý gửi thì bạn có thể đi thẳng ra luôn.

12. Những đồ nên mang theo trong hành lý xách tay:

Thông thường đi Aupair tại Mỹ hay tại các nước Châu Âu, các chuyến bay thường kéo dài khá lâu (hơn 10h đồng hồ bay, chưa kể thời gian transit) bạn nên chuẩn bị những đồ sau:

  • Bộ mỹ phẩm mini có dung lượng dưới 100ml (mỗi hộp) như sữa rửa mặt, dưỡng đêm, kem chống nắng,…
  • Tuýp kem đánh răng nhỏ chuyên dùng đi du lịch, bàn chải đánh răng. Vì hầu hết các chuyến bay sẽ kéo dài suốt đêm hoặc cả ngày, nên việc có kem đánh răng sẽ giúp bạn tự tin hơn khi xuống sân bay và giao tiếp với người khác.
  • Thức ăn (không phải ở dạng lỏng), nếu bạn lo đồ ăn trên máy bay không hợp khẩu vị và sợ bị đói.
  • Gối ngủ: loại gối ôm quanh cổ dành cho những người đi di lịch đường dài, gối ngủ giúp cố định phần cổ của bạn để bạn dể dàng ngủ hơn trên máy bay.
  • Sách hoặc máy nghe nhạc nếu bạn muốn tiêu khiển trên máy bay.

CHÚC CÁC BẠN CÓ 1 CHUYẾN ĐI AN TOÀN VÀ ĐÁNG NHỚ!

***Kiến Thức Aupair***

Comments

No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *